Một trong những tài sản quý giá nhất trong cuộc đời mỗi người chính là các mối quan hệ họ xây dựng được. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách duy trì hoặc xây dựng các mối quan hệ tích cực. Đây vốn là một quá trình không chỉ học mà còn thực hành trong thời gian dài, phụ thuộc vào tính cách và hoàn cảnh giao tiếp riêng biệt.
Cùng tìm hiểu 8 quy tắc chung nhằm xây dựng và nuôi dưỡng mối liên kết người-người hiệu quả và tốt đẹp hơn.
1. Chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt
Thách thức lớn nhất của mọi mối quan hệ thường vì điểm khác biệt của mỗi cá nhân. Đó có thể là tính cánh, cách giải quyết vấn đề hoặc hướng tiếp cận. Mỗi người đều có cách nhìn nhận vấn đề khác nhau, điều cốt lõi trong việc duy trì quan hệ tốt đòi hỏi cá nhân phải biết tôn trọng, chấp nhận cách nhìn của người khác.
2. Biết lắng nghe
Hãy luôn nhớ rằng: nghe để hiểu chứ không chỉ để trả lời. Kỹ năng nghe đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành bất kì mối liên kết con người nào. Nghe có chủ đích giúp bạn thật sự hiểu được những gì đối phương đang nghĩ, cảm nhận và mong muốn từ đó biết cách phản hồi theo hướng chuẩn xác.
3. Dành thời gian cho người khác
Trong thời đại với quá nhiều tiện ích và lựa chọn giải trí hiện nay, con người ta như dần quên mất cách để giao tiếp với nhau. Thay vì gửi một tin nhắn hỏi thăm tin tức, hãy thử truyền tải nội dung tương tự qua phương thức truyền thống: giao tiếp trực diện. Điều này sẽ mang lại ý nghĩa lớn cho đối phương, vì chứng tỏ bạn sẵn sàng dành thời gian cho họ, giúp họ thấy được sự trân trọng và thật sự được cảm thông.
4. Trau dồi kỹ năng về giao tiếp
Giao tiếp diễn ra khi ai đó hiểu bạn, không nhất thiết phải bằng lời nói hoặc ngôn từ. Việc hiểu sai thông tin, đặc biệt tại nơi công sở, có thể đình trệ tiến độ công việc, ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ tập thể, và tăng mức độ căng thẳng cho chính cá nhân đó. Hãy chắn chắn rằng bạn luôn nắm rõ nội dung được thảo luận, đừng ngại đặt câu hỏi khi có thắc mắc và không ngừng học hỏi phương thức giao tiếp từ người giỏi hơn mình.
5. Sử dụng thiết bị điện tử hợp lý
Tới thời điểm này, đa số mọi người đều sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại di động. dù được xem như là biểu tượng của sự tiện lợi và gắn kết nhưng các thiết bị điện tử vô tình khiến chúng ta mất điểm trong mắt người khác, nếu bạn không biết hạn chế và lịch sự khi giao tiếp. Đừng mải dán mắt vào màn hình, không sử dụng thiết bị điện tử khi nói chuyện là phép lịch sự tối thiểu cần tuân theo.
6. Học cách tiếp nhận và đưa ra ý kiến phản hồi (feedback)
Feedback là thành quả của quá trình và dù nó có vị khó nuốt như thế nào, lợi ích của nó vẫn không thể chối cãi được. Khả năng đưa ra những ý kiến phản hồi mang tính xây dựng có thể thúc đẩy phát triển, làm lợi cho cả hai phía đầu tư. Từ quan điểm của cá nhân, bạn có thể lựa chọn những ý kiến phản hồi và quyết định có làm theo hướng được đề nghị hay không. Hãy luôn nhớ rằng, tiếp nhận vấn đề khách quan, chọn lọc thông tin là cách tốt nhất để cải thiện kết quả trong tình huống này.
7. Học cách tin tưởng người khác
Niềm tin là yếu tố hàng đầu cho thành công. Nếu bạn là lãnh đạo, hãy tin tưởng nhân viên và biết cách giao việc hợp lý. Hơn thế nữa, kỹ năng ủy thác và nhượng quyền đòi hỏi mức độ tin tưởng đáng kể đối với nhân viên. Việc này củng cố niềm tin của mọi người đối với tổ chức, giúp cảm nhận sự tôn trọng và tin cậy từ phía quản lý.
8. Học cách cảm thông
Sự đồng cảm vốn là cầu nối cho mọi mối giao tiếp con người. Đó chính là trạng thái con người tiếp nhận và gắn kết thông tin với suy nghĩ và nhu cầu của người khác, mà không hề đổ lỗi, xét nét hay cố gắng khuyên ngăn hoặc thay đổi vấn đề. Mỗi mối quan hệ đều mang đến vô số bài học cho chúng ta, vì vậy hãy biết cách đồng cảm với người khác, cố gắng thấu hiểu qua góc nhìn của họ. Khi đó, bạn mới thật sự hiểu và biết cách phản hồi đúng đắn nhất.